Tìm hiểu về bệnh xơ hóa phổi vô căn

Xơ phổi vô căn là bệnh gì? Nguyên nhân? Triệu chứng và biến chứng? Đối tượng dễ bị xơ hóa phổi? Các biện pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa?

Xơ phổi vô căn là bệnh lý không chỉ khiến cho các mô trong phổi bị xơ cứng mà còn ảnh hưởng tới đường hô hấp và hệ thống mạch máu phổi. Vậy có những nguyên nhân nào dẫn đến bệnh xơ hóa phổi vô căn? Triệu chứng và biến chứng của bệnh là gì? Các biện pháp chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng nhà thuốc An Tâm tìm hiểu các thông tin trên qua bài viết dưới đây.

Xơ phổi vô căn

I. Xơ phổi và các dạng xơ phổi

Xơ phổi (hay còn được gọi là xơ hóa phổi) là tình trạng các mô trong phổi bị tổn thương, xơ cứng, dày lên, mất chức năng đàn hồi và tạo thành sẹo ở phổi (bao gồm cả đỉnh và thùy phổi). Những vết sẹo này sẽ ngăn chặn và cản trở hoạt động hô hấp của người bệnh, gây khó thở cùng những biến chứng nguy hiểm khác.

Tính đến thời điểm hiện tại, xơ phổi được chia thành 3 dạng:

  • Xơ phổi thứ phát: dạng xơ phổi này thường xuất hiện sau khi có tổn thương phổi như: viêm phổi, lao phổi hoặc nhồi máu phổi.
  • Xơ phổi khu trú: người bệnh mắc phải dạng xơ phổi này khi hít các chất gây kích thích như: silica, bụi than.
  • Xơ phổi vô căn (Idiopathic pulmonary fibrosis), bệnh viêm phế nang dị ứng ngoại lai (hay bệnh viêm phổi tăng cảm – Extrinsic allergic alveolitis) và bệnh phổi mô kẽ lan tỏa (Diffuse parenchymal lung disease).

II. Xơ phổi vô căn là bệnh gì?

Xơ phổi vô căn

Xơ phổi vô căn là một bệnh lý ở phổi mà không thể xác định được nguyên nhân gây ra bệnh. Trong đó, sự dày lên của thành phế nang phổi do hóa sẹo khiến người bệnh cảm thấy khó thở, ho, mệt mỏi và nồng độ oxy trong máu bị giảm xuống.

III. Tỷ lệ mắc bệnh xơ phổi vô căn

Theo như một phân tích tại Hoa Kỳ, tỷ lệ mắc xơ phổi vô căn (số người được chẩn đoán mỗi năm) là 58,7 trên 100.000 người. Còn theo một nghiên cứu khác vào năm 2011, tỷ lệ lưu hành xơ phổi vô căn (số người mắc bệnh) là 495,5 trên 100.000 người. Như vậy, mặc dù không phải là một bệnh phổ biến nhưng xơ phổi vô căn cũng không phải là bệnh lạ hay hiếm gặp. Một nghiên cứu thực hiện vào năm 2015 đã ước tính rằng 10% người bệnh xơ phổi vô căn được dự đoán sẽ tiến triển thành ung thư phổi – một nguyên nhân bệnh lý gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

IV. Nguyên nhân gây xơ hóa phổi

Bệnh xơ hóa phổi vô căn là tình trạng không xác định được nguyên nhân gây xơ phổi. Tuy nhiên, theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu chia sẻ, có một số nghiên cứu chỉ ra rằng vẫn còn tồn tại vài yếu tố nguy cơ có thể làm tổn thương các tế bào lót trong phế nang phổi như sau:

  • Hút thuốc lá: người thường xuyên hút hoặc đã từng hút thuốc lá có nguy cơ mắc căn bệnh này.
  • Nhiễm virus: một số chủng virus là tác nhân gây ra bệnh như: Epstein-Barr, viêm gan siêu vi C.
  • Bệnh trào ngược dạ dày thực quản: nếu bệnh này không được điều trị kịp thời và đúng cách thì dịch dạ dày có thể bị trào ngược lên thực quản. Khi đó người bệnh sẽ hít vào phổi một cách vô thức và gây ra xơ phổi.
  • Tác dụng phụ của thuốc: một số thuốc có thể gây tác dụng phụ ảnh hưởng đến phổi như: Azathioprine, Methotrexate, Cyclophosphamide,…
  • Ô nhiễm môi trường: trong trường hợp môi trường sống và làm việc bị ô nhiễm, con người thường xuyên phải tiếp xúc hoặc phơi nhiễm với bụi kim loại, bụi gỗ hoặc các hóa chất làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Yếu tố di truyền: một vài trường hợp mắc bệnh có thể là do di truyền.

V. Dấu hiệu của phổi bị xơ hóa

Xơ phổi vô căn

Bệnh xơ hóa phổi vô căn gây ra sẹo và xơ cứng ở phổi. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, những vết sẹo ở phổi sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Theo GS.TS.BS Ngô Quý Châu chia sẻ, người bệnh xơ phổi thông thường sẽ gặp các triệu chứng như: ho khan, khó thở, mệt mỏi, sụt cân nhiều mà không rõ nguyên nhân, phần đầu ngón chân ngón tay bị to bè, đau nhức các khớp các cơ, dễ dẫn đến suy tim và suy hô hấp.

Ngoài ra, có nhiều trường hợp gặp triệu chứng khác với những triệu chứng vừa đề cập ở trên. Các dấu hiệu này có thể tiến triển nhanh chóng thành các đợt cấp tính và kéo dài từ vài ngày đến vài tuần hoặc vài tháng.

Vì vậy, tùy từng giai đoạn tiến triển mà các triệu chứng bệnh có thể sẽ khác nhau. Các triệu chứng của bệnh có thể diễn ra nhanh chóng trong đợt bùng phát, sau đó thuyên giảm trong giai đoạn ổn định. Hoặc có thể bệnh sẽ ngày càng nặng hơn, không hồi phục và dẫn đến các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

VI. Đối tượng nào dễ bị xơ hóa phổi

Bệnh xơ phổi vô căn thường gây các triệu chứng ho và khó thở ở người có độ tuổi từ 50 đến 70 do hệ miễn dịch suy giảm. Bệnh này ít gặp ở người dưới 50 tuổi.

Từ trước đến nay, nam giới được chẩn đoán mắc bệnh xơ phổi vô căn nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, xơ phổi vô căn ở nữ giới đang ngày càng tăng lên.

Ngoài ra, xơ hóa phổi vô căn còn xuất hiện ở các thành viên trong cùng một gia đình. Khi đó, bệnh còn được gọi với tên khác là xơ phổi gia đình. Hiện tượng này đã khiến cho nhiều chuyên gia tin rằng, một số gen nào đó có thể là nguyên nhân khiến con người bị xơ hóa phổi.

VII. Các giai đoạn của bệnh xơ phổi vô căn

Xơ phổi vô căn

Bệnh xơ phổi vô căn không có các giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, căn bệnh này vẫn có những biểu hiện đặc trưng trong từng giai đoạn tiến triển như sau:

Chẩn đoán giai đoạn đầu: lúc này, người bệnh có thể không cần oxy hỗ trợ. Nhưng khi cơ thể bắt đầu cảm thấy khó thở trong sinh hoạt hằng ngày thì bệnh nhân có thể phải cần đến oxy. Đặc biệt là khi các sẹo ở phổi tiến triển tồi tệ hơn, người bệnh cần phải hỗ trợ oxy mọi lúc mọi nơi, ngay cả khi nghỉ ngơi, hoạt động và thậm chí là lúc ngủ.

Trong những giai đoạn tiếp theo của xơ phổi vô căn: hầu như người bệnh liên tục cần oxy. Khi bệnh trở nặng hơn, một số người sẽ trải qua đợt bùng phát bệnh. Lúc này, tổn thương ở phổi là không thể phục hồi được và nó sẽ hoàn toàn bị mất chức năng.

VIII. Chẩn đoán xơ phổi vô căn

Xơ phổi vô căn

Hiện tại, chưa có xét nghiệm nào dành riêng để sàng lọc bệnh xơ phổi vô căn. Vì bệnh này tiến triển chậm và không có dấu hiệu nào rõ rệt để có thể chẩn đoán chắc chắn trong giai đoạn đầu. Các nguyên nhân gây ra sẹo xơ phổi cũng tương tự như sẹo từ các bệnh phổi khác. 

Chụp CT ngực có độ phân giải cao là phương pháp được lựa chọn để chẩn đoán bệnh xơ phổi vô căn. Ngoài ra, bệnh nhân còn có thể thực hiện sinh thiết phổi. Kỹ thuật này chủ yếu được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn khác của bệnh phổi như: ung thư phổi hoặc u hạt (sarcoidosis).

Có một số bệnh lý có triệu chứng tương tự như xơ phổi vô căn, đó là: bệnh bụi phổi amiăng, bệnh phổi kẽ, bệnh mô liên kết, viêm phổi quá mẫn, bệnh phổi liên quan đến thuốc và bệnh phổi liên quan đến bức xạ.

Bác sĩ có thể chỉ định các kỹ thuật chẩn đoán như: X-quang phổi, kiểm tra sức thở để xác định mức độ tổn thương ở phổi, chụp CT ngực với độ phân giải cao (HRCT – phương pháp giúp chẩn đoán chính xác được tình trạng của phổi) hoặc xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ oxy trong máu, các bệnh nhiễm trùng và các bệnh tự miễn.

IX. Điều trị xơ phổi vô căn như thế nào?

Cho đến thời điểm hiện tại, xơ phổi vô căn chưa có phương pháp điều trị tối ưu. Các biện pháp được liệt kê dưới đây chủ yếu là để kiểm soát các triệu chứng của bệnh:

  • Ứng dụng vật lý trị liệu/ phục hồi chức năng hô hấp. 
  • Nếu đang hút thuốc lá thì bệnh nhân nên cai thuốc.
  • Trong trường hợp các triệu chứng trở nên nặng hơn, người bệnh có thể sử dụng liệu pháp oxy tại nhà.
  • Nếu đang bị bệnh phổi, người bệnh nên tiêm đầy đủ vaccine cúm và phế cầu để tránh làm cho các bệnh nhiễm trùng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Sử dụng thuốc: Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ đã chấp nhận cho hai loại thuốc mới là: nintedanib và pirfenidone được dùng để điều trị xơ phổi vô căn. Trước khi hai loại thuốc mới này được phê duyệt, corticosteroid và các thuốc ức chế miễn dịch được sử dụng để điều trị bệnh, nhưng chúng thường không mang lại hiệu quả gì và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như: khó ngủ, đái tháo đường, tăng huyết áp, hoặc loãng xương,… 

Các liệu pháp khác có thể được khuyến cáo để điều trị những triệu chứng của bệnh, chẳng hạn như: phục hồi chức năng hô hấp, thở oxy và điều trị tăng áp phổi. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là thăm khám bác sĩ để có liệu pháp phù hợp nhất với người bệnh.

  • Ghép phổi: đây là cách điều trị duy nhất để kéo dài sự sống nếu bạn bị xơ phổi vô căn. Ghép phổi là phẫu thuật và đòi hỏi người bệnh phải điều trị suốt đời với các thuốc ức chế miễn dịch để ngăn chặn việc thải loại phổi ghép. Nhưng không phải tất cả bệnh nhân xơ phổi vô căn đều có thể ghép phổi được. Việc ghép phổi sẽ mất nhiều tháng, do đó bác sĩ có thể cần trao đổi với bạn trước khi xơ phổi vô căn trở nên trầm trọng.
  • Không điều trị: vì việc điều trị có thể gây ra tác dụng phụ nên người bệnh cần phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định. Thông thường biện pháp này được khuyên đối với những bệnh nhân lớn tuổi, có triệu chứng còn nhẹ hoặc không nặng lắm. 

>> Thuốc Esbriet 267mg pirfenidone điều trị bệnh xơ hóa phổi

X. Biến chứng của xơ phổi vô căn

Xơ phổi vô căn

Bệnh xơ phổi vô căn có thể tiến triển tồi tệ theo thời gian. Mặc dù chúng ta có thể điều trị để kiểm soát tình trạng của bệnh nhưng không thể ngăn chặn tuyệt đối việc hình thành sẹo và tổn thương ở phổi.

Ngoài việc hạn chế một số chức năng của phổi thì xơ phổi vô căn còn gây ra những biến chứng nghiêm trọng như: suy tim, thuyên tắc phổi, viêm phổi, tăng huyết áp động mạch phổi, ung thư phổi, hội chứng vành cấp, bệnh về đường hô hấp, huyết khối và các biến chứng do tác dụng phụ của thuốc điều trị.

XI. Biện pháp phòng ngừa bệnh xơ phổi vô căn

GS.TS.BS Ngô Quý Châu đưa ra lời khuyến cáo, để phòng ngừa các triệu chứng khó chịu và biến chứng nguy hiểm của hiện tượng viêm xơ phế nang vô căn, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

  • Nếu đang hút thuốc lá, người bệnh nên bỏ thói quen này.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, ăn uống theo chế độ khoa học, đầy đủ các chất dinh dưỡng để cơ thể được khỏe mạnh.
  • Tiêm đầy đủ vắc xin phòng ngừa các bệnh lý về phổi và thực hiện tái khám định kỳ theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

Trên đây là toàn bộ thông tin về bệnh xơ hóa phổi vô căn. Nhà thuốc An Tâm hy vọng rằng bài viết sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân, các triệu chứng, biến chứng cũng như các biện pháp chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.